Ergonomic (Công thái học) – Nhân tố không thể thiếu trong thiết kế sản phẩm

5/5 - (1 bình chọn)

Ergonomic – Công thái học là một nhân tố quyết định đến sự thành công của một sản phẩm công nghiệp. Vậy Ergonomic thực chất là gì? Tại sao lại quan trọng đến vậy? Hãy cùng mythuatms.com đi tìm câu giải đáp ngay bây giờ nhé.

Bạn đã bao giờ bắt gặp thuật ngữ Ergonomic xuất hiện trên những bản hướng dẫn sử dụng sản phẩm? Hoặc bạn không thể hiểu Ergonomic luôn có mặt trong những mô tả thiết kế là gì? Bạn tìm hiểu về thiết kế sản phẩm mà Ergonomic cần bạn quan tâm đến? Ergonomic là gì?

 

 

Ergonomic là gì?

Lấy một ví dụ đơn giản, bạn đang đặt tay lên con chuột máy tính của bạn. Bạn tự hỏi tại sao con chuột lại có thể nằm gọn trong bàn tay mình đến thế? Tại sao bạn có thể sử dụng nó hàng giờ mà không cảm thấy nhức mỏi? Tại sao màu sắc của nó lại như vậy mà không phải là một màu nào khác? Sự tính toán về Công thái học – Ergonomicchính là yếu tố tạo nên sự vừa vặn và thoải mái tuyệt vời đó.

Ergonomic hay Human Factor (Tiếng Việt: Công thái học) là bộ môn khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và môi trường làm việc của họ, đặc biệt trên khía cạnh “sử dụng”. Để sản phẩm đạt đến sự phù hợp tốt nhất với người dùng, các nhà thiết kế phải bảo đảm thiết bị và môi trường làm việc thích hợp khả năng cũng như hạn chế của người sử dụng chúng.

 

Nói cách khác, tâm sinh lí và cơ thể người, đi kèm với phương thức sử dụng một sản phẩm quyết định phần lớn đến kích thước, hình thái sản phẩm này. Sự quyết định đó chính là Ergonomic. Ergonomic làm cho sản phẩm thân thiện hơn, thoải mái hơn và hoạt động tốt hơn đối với con người.

 

 

Bàn Smartdesk  ergonomic

 

Ergonomic – Công thái học liên quan đến toàn bộ môi trường làm việc, nhưng mục tiêu quan trọng Ergonomicthường hướng tới là kích thước và hình dạng của các đối tượng vật thể. Thiết kế sản phẩm có nghiên cứu Ergonomic đòi hỏi việc sử dụng bộ đo cơ thể chuẩn được gọi là dữ liệu nhân trắc học. Nhân trắc học cung cấp số đo chuẩn các bộ phận trên cơ thể, có sự phân biệt theo giới tính hay nhóm tuổi. Bộ đo này có thể thay đổi từ nước này sang nước khác do sự khác nhau về đặc điểm cơ thể trên tộc người.

 

 

 

Nguồn gốc cách gọi thuật ngữ

 

Thuật ngữ Công thái học – Ergonomic (trong tiếng Hy Lạp “ἔργον – work” có nghĩa là “làm việc” và “νόμος – natural laws” mang nghĩa “qui luật tự nhiên”) bước vào từ điển hiện đại lần đầu tiên khi nhà khoa học Ba Lan Wojciech Jastrzębowski sử dụng trong bài viết “Đề cương về Công Thái Học  – The Outline of Ergonomics” của ông. Sau đó,thuật ngữ Ergonomic được biết đến rộng rãi trong từ điển Tiếng Anh nhờ nhà tâm lý học người Anh Hywel Murrell, người đặt nền tảng Công Thái Học Xã Hội – The Ergonomics Society. Ông đã sử dụng nghiên cứu về Công thái họcphục vụ trong và sau Chiến tranh Thế giới II.

 

 

Những biểu hiện của thuật ngữ “Nhân tố con người” – Human Factor tại Bắc Mỹ cũng nhấn mạnh các khía cạnh tương tự như Ergonomic, trong đó “yếu tố con người” cụ thể ảnh hưởng đến hoạt động và thiết kế của hệ thống công nghệ vật lí. Thuật ngữ Ergonomic – Công thái học  Nhân tố con người – Human Factor về cơ bản là đồng nghĩa.

 

Lĩnh vực chuyên môn của Ergonomic

 

Ergonomic – Công thái học gồm 3 lĩnh vực nghiên cứu chính: Công thái học vật lí, Công thái học nhận thức và Công thái học tổ chức.

 

Công thái học vật lí – Physical ergonomics quan tâm đến cơ thể con người, dữ liệu nhân trắc học, đặc tính cơ học và sinh lí sinh học có liên quan đến hoạt động thể chất của con người. Nguyên tắc của Công thái học vật lí được sử dụng rộng rãi trong thiết kế sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp. Ví dụ thay cầm tuốc nơ vít phải phù hợp với bàn tay nắm, sử dụng chất liệu nhựa dẻo mềm, có tính đàn hồi bảo vệ tay và tăng ma sát giữa da bàn tay với bề mặt nắm. Ngoài ra, Công thái học vật lí còn đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế.

 

 

Công thái học nhận thức – Cognitive ergonomics nghiên cứu tâm thần học con người như nhận thức, phản ứng vận động hay các ức chế thần kinh. Ví dụ như ý nghĩa của màu sắc trong thiết kế, tác động của màu sắc tới thần kinhcon người trong thời gian làm việc lâu dài (đồ dùng văn phòng thường tránh các tông màu sặc sỡ sẽ gây nhức mỏi mắt, đau đầu nếu làm việc lâu…) hay khoảng cách an toàn cho mắt khi sử dụng máy vi tính, ti vi….

 

 

Công thái học tổ chức – Organizational ergonomics liên quan đến việc tối ưu hóa các hệ thống kỹ thuật xã hội, bao gồm cả cấu trúc tổ chức, chính sách, qui trình: thông tin liên lạc, thiết kế dự án, hệ thống dự án, làm việc tương tác, quản lí, công thái học cộng đồng…..

 

 

Ergonomic – Công thái học trong thiết kế

 

Liệu bạn có hoàn toàn thỏa mãn khi dùng một sản phẩm đẹp mắt nhưng lại gây bất tiện khi sử dụng? Cậu trả lời chắc chắn là không!

 

Hình thức (đôi khi còn có cả màu sắc) của sản phẩm trong thiết kế công nghiệp bị ràng buộc chặt chẽ bởi công thái học và công nghệ ứng dụng, tức là haiyếu tố con người và sản xuất. Ergonomic – Công thái học trong thiết kế yêu cầu sự quan sát dài lâu và nghiên cứu bài bản. Dữ liệu nhân trắc học cung cấp phép tính tương đối của sự tương tác kích thước cơ thể người và kích thước sản phẩm, thường chia hai giới tính nam và nữ. Gồm nam: 95%nam – 50%nam – 25%nam và nữ: 95%nữ – 50%nữ – 25%nữ. Xác định đối tượng sử dụng sản phẩm tạo điều kiện tính toánErgonomic. Trong đó 95% nam được tính cho các kích thước “sức chứa” như chiều rộng của ghế ngồi, lối đi lại, chiều rộng cửa…..để đảm bảo những người to lớn nhất cũng có thể sử dụng thoải mái. 25% nữ tính cho các kích thước “tầm với” như chiều cao của mặt ghế, tay cầm trên xe buýt, chiều rộng và dài của bàn….…để đảm bảo những người thấp bé nhất cũng có thể dùng được.

 

 

 

Bộ dữ liêu nhân trắc học nam giới (Đơn vị tính: inch)

 

Tóm lại, Ergonomic – Công thái học chính là bí mật đằng sau sự thoải mái của mỗi sản phẩm công nghiệp, là nhân tố quyết định đến sự thành công của một nhà thiết kế. Các nhà thiết kế luôn phải tìm kiếm và loại trừ tất cả những yếu tố gây bất lợi cho con người khi sử dụng sản phẩm cùng công nghệ sản xuất mới. Đó cũng là quá trình tất yếu của sự nâng cấp, tiến hóa của sản phẩm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *